Nhãn

16/11/12

Họa sỹ Phan Anh Vũ





Thuở nhỏ, khi chúng ta vui đùa với những bãi cát trắng trải dài, chạy nhảy tung tăng tận hưởng mùi hương của biển, nghe tiếng sóng vỗ, tiếng chim hải âu, bắt những con ốc màu sắc hay xây đắp lâu đài cát với bao bao ước mơ xa xăm, để rồi cuối cùng những con sóng cuốn đi mà không hề nuối tiếc. Sau này lớn lên chúng ta cũng hay làm những việc tưởng chừng như vô nghĩa, xây lên rồi lại xóa đi, rũ bỏ không tiếc nuối những gì đã có và mỉm cười vì điều đó...Nghĩa là chúng ta đã vượt qua chính mình và tìm đến những giới hạn xa hơn.

Tranh cát đến với Tôi như một cuộc chơi giản đơn như vậy, như một niềm đam mê cá nhân mà không bị trói buộc bởi không gian, thời gian hay những nguyên tắc đời thường. Câu chuyện về duyên nợ với cát sẽ được kể dần dần qua những hình ảnh, bài báo và những tác phẩm tranh cát để các bạn hiểu hơn về những gì tôi đang làm trong suốt 4 năm vừa qua.



Dưới bàn tay khéo léo, những hạt cát cứ âm thầm vẽ nên một câu chuyện. Chẳng màu mè tô điểm nhưng nét mộc mạc trong từng hạt cát làm người xem phải nín lặng thốt lên kinh ngạc: Thật kỳ diệu.

Kể chuyện bằng cát
Ở Việt Nam, nghệ thuật trình diễn vẽ tranh bằng cát còn khá mới mẻ. Những bức tranh thể hiện lung linh qua những hạt cát được vẽ trên bàn kính, phía dưới có gắn một chiếc đèn nhỏ tạo hiệu ứng. Trước đây, chỉ cần 1 bàn mặt kính đục có đèn rọi bên dưới là có thể vẽ. Hiện nay việc vẽ tranh trên cát cũng có thể thực hiện trên 1 màn hình LCD giúp màu sắc có sự chuyển động lung linh hơn. Màn hình LCD đó sẽ được nối với máy chiếu. Và đây cũng chính là nơi hiển thị trực tiếp tác phẩm cho người xem. Qua đôi tay uyển chuyển, khéo léo của người nghệ sĩ, những hạt cát vô hồn như biến ảo thành một câu chuyện xuyên suốt.

Người xem được đi từ cảm xúc ngạc nhiên, thích thú đến nín thở, say mê và sau cùng là òa lên sung sướng khi được chứng kiến sự hiến thân của từng thông điệp qua nét vô tri của hạt cát một nguyên liệu quá đỗi phổ biến ở đời thường.

Chia sẻ với chúng tôi, họa sĩ Anh Vũ bật mí cơ duyên đưa anh làm quen với nghệ thuật trình diễn tranh cát là từ một đường link được người bạn gửi qua Yahoo. Sau cú click định mệnh vào đường link, thì hình ảnh cô gái Kseniya Sumonova biểu diễn trong chương trình Ukraine's Got Talent (Tìm kiếm tài năng trẻ Ukraina) đã khiến chàng cử nhân ngành Mỹ thuật Trường Đại học Hồng Bàng say mê thích thú dõi theo sự chuyển động của từng hạt cát.

Màn trình diễn tuyệt vời của cô gái Kseniya với chủ đề Chiến tranh thế giới thứ hai được thể hiện sống động bằng cát có sức lay động mạnh mẽ đến hàng triệu khán giả. Nhiều người đã nín lặng vì kinh ngạc và xúc động tại sân khấu. Ngay lúc đó chàng họa sĩ Phan Anh Vũ đã thốt lên: “Tôi sẽ làm được, tôi sẽ trình diễn tranh cát như cô ấy”.

Nói là làm, Phan Anh Vũ kiếm gỗ đóng lại thành một chiếc bàn,  rồi xin cát xây dựng về nhào nặn, tập tành vẽ tác phẩm của riêng mình. Và 3 ngày sau đó, hiện tượng độc đáo tranh cát chuyển động Bonjous Việt Nam ra đời.

Một sự học hỏi quá nhanh, niềm đam mê có sẵn, hay khả năng thiên bẩm đã giúp Phan Anh Vũ hoàn thành một tác phẩm ấn tượng bằng cát như Bonjous Việt Nam ? Có lẽ là cả ba lý do trên. Chàng họa sĩ trẻ bộc bạch: "Đó là tác phẩm khiến tôi tâm đắc nhất. Bonjous Việt Nam chứa đựng rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Tôi muốn vẽ tác phẩm về Việt Nam, bởi chưa có ai trình diễn loại hình nghệ thuật này mang dấu ấn Việt Nam. Đây cũng là thời điểm tôi phải đưa ra nhiều lựa chọn, quyết định cho riêng mình là ở lại Hải Phòng hay vào Nam lập nghiệp. Và cho đến thời điểm này, chưa có tác phẩm nào khiến tôi ưng ý hơn Bonjous Việt Nam"

Bonjous Việt Nam là clip trình diễn bằng cát với những nét vẽ mộc mạc, giản dị cảnh đồng quê Việt: Mở đầu là những thửa ruộng mênh mông với con trâu cái cày, người nông dân đang cặm cụi cấy lúa. Tiếp đó mái đình hiện ra thân thương cố hữu như câu ca ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt, với cây đa, bến nước, sân đình. Mái đình là biểu tượng đặc trưng ở nông thôn Việt Nam. Hình ảnh những con đò tiếp nối ngay sau được tái hiện chân thực trên nền nhạc Bonjous Việt Nam da diết.


Buồn vui cũng... cát

Họa sĩ Phan Anh Vũ cũng chia sẻ thêm: "Loại hình nghệ thuật này khá kén người học. Bởi nó đòi hỏi phải vận dụng rất nhiều kỹ năng cùng lúc như: Kiến thức hình họa, kỹ năng quay phim, xử lý âm thanh, xử lý hình ảnh đồ họa, xây dựng kịch bản, khả năng cảm thụ âm nhạc. Nhưng quan trọng nhất là khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi thông thường các đạo diễn chương trình chỉ đưa cho anh những câu chủ đề chính, còn kịch bản diễn và vẽ sẽ do anh tự sáng tạo sao cho phù hợp, nhưng phải hay, độc đáo, hấp dẫn, hợp chủ đề và dễ truyền cảm đến người xem nhiều nhất".

Hình thức biểu diễn này được tác động trực tiếp vào giác quan nghe nhìn nên rất cần một đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn để gảy cát nhảy múa theo kịp điệu nhạc. “Có thể do vậy nên nhiều bạn trẻ ban đầu thường rất thích, nhưng khi bắt tay thực hiện thấy khó thì bỏ cuộc. Vì vậy nếu muốn theo đuổi lâu dài phải có đam mê thực sự và lòng kiên trì”, Anh Vũ chia sẻ.

Được biết loại cát mà họa sĩ Anh Vũ sử dụng trong các tác phẩm của mình chính là loại cát biển của Việt Nam. Đó là thứ cát mịn, nhỏ như hạt đường, có độ dẻo, không nảy khi va chạm với mặt kính. Loại cát này rất dễ kiếm nhưng phải trải qua những công đoạn xử lí rất công phu.

Chia sẻ về những kỷ niệm vui, buồn trong quá trình biểu diễn, họa sĩ Anh Vũ bộc bạch: "Vui buồn cũng nhiều. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi là lần biểu diễn đầu tiên tại Bình Thuận. Tôi rất run vì đây là lần biểu diễn đầu tiên với tranh cát, lại một mình solo. Mặc dù có tham gia biểu diễn văn nghệ tại trường, nhưng trước một tập thể đông và đặc biệt là màn hình diễn cao 4m, rộng 10m làm tôi run.
Nhưng sau đó, tôi đã hít thở thật sâu, bình tĩnh thả mình theo từng chuyển động của cát, các nét vẽ cứ thế hiện ra với điệu nhạc du dương. Và kết quả là tác phẩm lạ, đẹp mắt ấy được các quan khách rất ấn tượng và thích thú. Cảm xúc khi có người lên tặng hoa, xin chữ ký khiến tôi lâng lâng hạnh phúc. Sau đó anh còn trình diễn thêm tác phẩm ruột cùa mình Bonjous Việt Nam và cũng được người xem hôm đó hưởng ứng thích thú”.

Mới đây, ngay tại buổi biểu diễn trên nóc tòa nhà AB Tower, tọa lạc tại đường Lê Lai, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, họa sĩ Anh Vũ đã phải chờ ba giờ đồng hồ mới được diễn. Nguyên do là chiếc màn hình lớn gặp gió nên đổ ngã.  Anh Vũ tâm sự: "Biểu diễn tranh cát phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều khâu: âm thanh, ánh sáng, âm nhạc nếu một trong các khâu xảy ra trục trặc thì sẽ không thể thực hiện được. Sau đó, nhà tổ chức thay thế bằng một màn hình nhỏ, nhưng khán giả lại chạy tới chỗ tôi xem trực tiếp, mọi người vây xung quanh và chụp hình" - Đó cũng là một kỉ niệm cho những buổi diễn

Đam mê và sáng tạo, những hành trang quan trọng cần thiết nhất
Có thể thấy, nghệ thuật trình diễn tranh cát đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, họa sĩ Phan Anh Vũ chia sẻ: "Trong đó khả năng sáng tạo và đam mê là hai thứ rất quan trọng, cần thiết. Người theo đuổi phải dám kiên trì, bám đuổi nó". Đây cũng là lời nhắn nhủ của họa sĩ Phan Anh Vũ đến những bạn trẻ, những người yêu thích loại hình nghệ thuật trình diễn mới mẻ này. Anh Vũ hiện là Giám đốc của Công ty tư vấn thiết kế nội thất Phanbrand.  Anh cũng đang ấp ủ những dự định biểu diễn và thông qua đó truyền dạy kỹ năng vẽ tranh bằng cát cho các em thiếu nhi, hay sẽ đến với Trường Sa, Hoàng Sa để vẽ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét